TRẺ BỊ SỐT – KINH NGHIỆM XỬ LÝ

 Sốt là phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân như vi khuẩn, virus khi chúng tấn công và xâm nhập. Tình trạng sốt nếu không được phát hiện và chăm sóc kịp thời sẽ khiến trẻ bị mất nước, mệt mỏi, suy kiệt cơ thể và gây nên một số biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, sốt không phải là bệnh, đó là một triệu chứng, hoặc dấu hiệu, rằng cơ thể bạn đang chiến đấu với bệnh tật hoặc nhiễm trùng, sốt kích thích sự phòng vệ của cơ thể, gửi các tế bào bạch cầu và các tế bào “chiến đấu” khác để tiêu diệt nguyên nhân gây nhiễm trùng.

Khi trẻ bị sốt, việc đầu tiên ba mẹ cần làm là nên xác định nguyên nhân tại sao trẻ bị sốt.Thông thường, nhiệt độ cơ thể của trẻ em trên 37,5 độ C (đo tại nách) được gọi là sốt (vì nhiệt độ đo tại nách thường thấp hơn ở hậu môn khoảng 0.5 độ C). Kiểm tra thân nhiệt là cách xác định nhanh tình trạng sốt ở trẻ.

Các nguyên nhân phổ biến có thể gây sốt bao gồm:

 

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên (RTI)
  • Cảm cúm
  • Nhiễm trùng tai
  • Sốt phát ban – một loại virus gây ra sốt và phát ban
  • Viêm amidan
  • Nhiễm trùng thận hoặc đường tiết niệu (UTI)
  • Các bệnh thường gặp ở trẻ em, như thủy đậu và ho gà

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nhiệt độ của trẻ nhỏ tăng lên sau khi tiêm chủng, hoặc trẻ mặc quá nhiều quần áo, chơi ngoài trời nắng quá lâu.

Các phương pháp hạ sốt thông thường có thể làm tại nhà

  1. Cho con mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát

Hãy lựa chọn những bộ đồ rộng rãi, chất liệu thoáng mát cho con mặc để bé không cảm thấy bí bách, khó chịu. Mặc quần áo quá kín có thể khiến trẻ bị đổ mồ hôi nhiều hơn.

  1. Lau người cho con bằng nước ấm

Hãy nhẹ nhàng cởi bỏ quần áo của trẻ, dùng khăn mềm nhúng nước ấm vắt khô lau khắp người cho bé, kết hợp đắp lên trán và hai bên nách. Khăn ấm giúp các mao mạch trên cơ thể giãn ra giúp con thoải mái và làm mát cơ thể.

  1. Cho con uống nhiều nước

Trong thời gian bị sốt, cơ thể của trẻ rất háo nước, cảm giác khô khan vì thế cha mẹ cần cho bé uống nước nhiều hơn.

Có thể bổ sung nước cho con bằng nhiều cách như cho uống sữa, nước lọc, nước sinh tố, nước canh, súp,… bằng hình thức nào cũng được, miễn là lượng nước lớn hơn bình thường.

  1. Dùng nước muối sinh lý để hạ sốt cho trẻ nhỏ

Đây cũng là mẹo hạ sốt cho trẻ được khá nhiều bà mẹ tin dùng. Bạn có thể tự chuẩn bị tại nhà bằng cách hòa khoảng ¼ thìa cà phê muối vào 230ml nước tinh khiết, khuấy đều cho đến khi thấy muối tan hoàn toàn là được.

Đơn giản hơn, bạn có thể mua nước muối sinh lý tại các hiệu thuốc. Mỗi lần dùng, mẹ chỉ cần nhỏ khoảng 2 giọt vào mỗi bên mũi của trẻ.

Cách làm này sẽ giúp hạn chế tình trạng nghẹt mũi, giúp con thở dễ dàng hơn nên có thể giảm sốt nhanh chóng.

  1. Hạ sốt bằng giấm táo

Phương pháp hạ sốt này có thể còn ít phụ huynh biết tới. Tỉ lệ pha là 1 phần giấm táo, 2 phần nước sạch sau đó dùng nước này để thấm ướt khăn đắp lên trán con, dùng một chiếc khăn khác để lau người cho con.

Đây cũng là một cách làm hiệu quả nhưng ít người biết tới, có thể mùi chua của giấm táo sẽ khiến con cảm thấy khó chịu, nhưng đừng quá lo lắng một lúc là mùi giấm sẽ bay hết đi thôi.

  1. Hạ sốt bằng miếng dán

Dùng miếng dán hạ sốt dành riêng cho trẻ nhỏ, hãy để trong ngăn mát một lúc sau đó bóc ra và dán lên trán con. Miếng còn lại hãy cắt làm đôi và dán vào gan lòng bàn chân của trẻ, miếng dán hạ sốt sẽ giúp khuếch tán nhiệt, giúp cơ thể giảm nhiệt độ nhanh chóng.

  1. Hạ sốt bằng cây nhọ nồi

Nhọ nồi được biết là một vị thuốc dân gian phổ biến được rất nhiều phụ huynh tin dùng từ trước đến nay và rất hiệu nghiệm.

Dùng một nắm nhọ nồi ngâm với nước muối pha loãng tầm 15 phút, sau đó vớt ra đun sôi với nước và để nguội. Có thể sử dụng nước nhọ nồi đã đun cho con uống, áp dụng với trẻ trên 1 tuổi, còn đối với trẻ nhỏ hãy dùng bã nhọ nồi giã và bọc vào miếng vải đắp trán cho con. Phần còn lại hãy dùng để chườm bẹn, nách giúp con hạ sốt nhanh chóng.

  1. Hạ sốt bằng lá tía tô

Tía tô không chỉ là một loại gia vị giúp các món ăn trở nên ngon hơn, mà còn giúp bạn giải cảm, hạ sốt cũng rất hiệu quả.

Khi trẻ bị sốt hãy sử dụng lá tía tô tươi ngâm qua nước muối, sau đó rửa sạch và giã lấy nước cho con uống. Có lẽ mùi vị lạ của loại rau này sẽ khiến bé không chịu uống, hãy tìm cách dỗ dành cho con uống.

  1. Hạ sốt bằng rau diếp cá

Rau diếp cá cũng là một vị thuốc thiên nhiên được nhiều bà mẹ áp dụng. Tương tự cách áp dụng với cây nhọ nồi, rau diếp cá cũng được đem giã nát để đắp lên trán, chườm nách, bẹn của trẻ.

  1. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng liều lượng

Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi khi sốt quá cao có thể dẫn đến co giật, ba mẹ cần hạ sốt cho trẻ khi cần thiết. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ đo ở nách, cách hạ sốt nhanh cho trẻ là dùng thuốc hạ sốt. Một số loại thuốc có thể dùng là Paracetamol hoặc Acetaminophen. Tuy nhiên, ba mẹ nên lưu ý là liều lượng dùng cho độ tuổi và cân nặng trẻ là khác nhau.

Chỉ định liều dùng là từ 10 – 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần uống. Thuốc có tác dụng hạ sốt sau 30 -60 phút uống. Mỗi ngày, trẻ không được dùng thuốc hạ sốt quá 5 lần và mỗi lần cách nhau ít nhất 4 tiếng. Ngoài ra, trẻ nhỏ thường khó uống thuốc nên ba mẹ có thể lựa chọn những dạng thuốc phù hợp như viên nhét hậu môn, dạng bột.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Hãy đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu nếu con của bạn có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:

  • Khóc không dừng
  • Khó chịu hoặc quấy khóc
  • Uể oải và nằm li bì không muốn thức dậy
  • Phát ban hoặc đốm tím trông giống như vết bầm trên da (không có ở đó trước khi con bạn bị bệnh)
  • Môi, lưỡi hoặc móng tay tím tái
  • Phần thóp của trẻ sơ sinh dường như bị phình lên, xẹp xuống bất thường
  • Đau đầu dữ dội
  • Đi không vững
  • Khó thở mà không đỡ hơn mặc dù đã thông mũi
  • Đầu cúi về phía trước và chảy nước dãi
  • Co giật
  • Đau bụng

 Nguồn tham khảo: